Cai trị Lê_Thái_Tổ

Hình ảnh điện Kính Thiên vào thế kỉ 19, nơi Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi vào năm 1428.

Lê Lợi lên ngôi vua nước Đại Việt

Sau khi quân Minh rút về vào tháng 12 năm 1427, Trần Cảo là người được triều đình nhà Minh phong làm Quốc vương của Đại Việt. Đến tháng Giêng, năm 1428, Trần Cảo tự biết mình không có công, lòng người không theo nên bỏ trốn vào châu Ngọc Ma (phủ Trấn Ninh), bị quan quân bắt mang về và bị ép uống thuốc độc chết. Trước khi lên ngôi vào ba tháng sau đó, Lê Lợi đã thi hành nhiều chính sách khác nhau để khôi phục đất nước. Vào tháng 8 năm 1427, lúc chiến sự đang diễn ra, Lê Lợi sai sứ sang nhà Minh xin lập Trần Cảo làm An Nam quốc vương, vua Minh đồng ý. Liền sai sứ giả sang sắc phong, đến tháng 3 năm 1428 đoàn sứ giả nhà Minh mới đến được thành Đông Quan, Đại Việt. Lê Lợi lại sai sứ giả sang nhà Minh báo tang về cái chết của Trần Cảo.[92][93][94]

Ngày 15 tháng 4 âm lịch năm 1428, Lê Lợi từ điện Tranh ở Bồ Đề vào thành Đông Quan, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, lấy Đông Kinh làm thủ đô, xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương, hiệu là Lam Sơn động chủ, sử gọi là Thái Tổ Cao Hoàng đế, dựng lên Hoàng triều Lê (sử Việt Nam hiện đại thường gọi là nhà Hậu Lê).[94][95]

Quan hệ ngoại giao với nhà Minh (Trung Quốc)

Theo sử gia Phan Huy Chú, do Việt Nam ở phía Nam Trung Quốc, tuy là một nước tự chủ, có qui mô riêng, ở trong xưng đế, mà bên ngoài thì phong vương, vẫn chịu phong hiệu của triều đình Trung Quốc. Vào thời nhà Hồ, nhà Minh xâm lược nước Việt trên danh nghĩa phù Trần diệt Hồ. Khi Lê Lợi khởi nghĩa đánh nhà Minh, cho tới năm 1427, khi ấy nghĩa quân Lam Sơn đang vây thành Đông Quan, Lê Lợi giả lập một người họ Trần là Trần Cảo làm vua, sai sứ sang nhà Minh cầu phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương. Nhà Minh đồng ý, sai sứ sang nước Việt để thụ phong cho Trần Cảo. Nhưng khi sứ giả nhà Minh sang Đại Việt năm 1428, Trần Cảo đã chết, Lê Lợi sai sứ sang báo tang, và ông tổ chức lễ lên ngôi làm vua nước Đại Việt mà không cần thông qua triều đình nhà Minh.[96][97][98]

Sau đó Lê Lợi liên tiếp cử các đoàn sứ giả sang triều đình nhà Minh xin lại người con gái ông bị bắt lúc 9 tuổi khi loạn lạc và hối thúc họ phong vương cho mình, với lý do con cháu nhà Trần đã tuyệt diệt. Ngược lại, nhà Minh sai sứ giả sang Đại Việt nói rằng con gái Lê Lợi đã chết vì bệnh đậu mùa và dụ Lê Lợi trả lại người bị bắt và vũ khí Đại Việt còn giữ lại. Lê Lợi đã không trả vũ khí thu được trong chiến tranh cho nhà Minh, đến năm 1430, triều đình nhà Minh mới từ bỏ yêu sách đòi trả vũ khí, chiếu chỉ vua Minh gửi cho Lê Lợi (ngày 7/5/1430) có đoạn viết: Binh khí nhằm mục đích bảo vệ dân, dân chúng An Nam đều là con đỏ, nay để lại đó hay mang về đây Trẫm đều không hỏi thêm. Duy quan lại, quân nhân của triều đình cùng gia thuộc đều chưa trở về, họ đều có cha mẹ vợ con trông ngóng, khiến ân ái cách tuyệt lòng sao nỡ...[96][97]

Đến ngày 15/7/1431 triều đình nhà Minh vẫn không chịu phong Vương cho Lê Lợi, mà chỉ phong làm quyền cai quản nước An Nam, gọi là quyền thự An Nam quốc sự. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Lợi sai sứ sang nhà Minh tạ ơn và nộp 5 vạn lạng vàng tuế cống, nhưng theo sách này chép ngày 19/12/1433, nhà Minh sai sứ đòi triều đình Đại Việt số vàng cống hàng năm: Ngày 19, nhà Minh sai Chánh sứ là Binh bộ Thị lang Từ Kỳ, Phó sứ là Hành nhân ty Hành nhân Quách Tế sang đòi số vàng cống hàng năm. Trước đó, nhà Minh mấy lần sai sứ sang đòi nhiều số vàng cống hàng năm. Cao Hoàng đế xin theo như lệ cống năm Hồng Vũ thứ 3. Vua Minh vẫn cứ không nghe, đến đây lại sai bọn Kỳ, Tế sang đòi. Không rõ Lê Lợi có cống số vàng cống theo lệ cho triều đình nhà Minh hay không hay cống nhiều hơn.[96]

Nhà nước và chính trị

Đôi rồng đá ở khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa, biểu tượng quyền lực của chế độ quân chủ.

Lúc nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Đông Đô năm 1427, Lê Lợi chia các lộ, trấn làm 4 đạo, đặt liêu thuộc văn võ ở trong ở ngoài; đặt chức tướng quân, các thị vệ và chức tuần kiểm ở cửa biển, còn vệ quân các lộ, các phủ thì bổ quan đại thần làm kiểm tri, tổng tri và đồng tri để chỉ huy và thi hành mệnh lệnh, quân ở 4 đạo thuộc về các quan này; ở nơi trấn thủ thì có chức quan sát và phòng ngự. Theo Lê Quý Đôn, Lê Lợi phỏng theo chế độ nhà Trần, nhằm cho các đơn vị to nhỏ giữ gìn lẫn nhau và các cấp ràng buộc với nhau.[99]

Vua Lê Thái Tổ sau khi lên ngôi năm 1428, chia trong nước làm năm đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây. Mỗi đạo đặt một vệ quân, mỗi vệ đặt chức Tổng quản(có các chức tổng quản, đô tổng quản, đồng tổng quản, trên dưới liên hệ nhau, lớn nhỏ giữ gìn nhau). Ông còn đặt chức Hành khiển ở năm đạo, chia giữ việc sổ sách và từ tụng của quân dân, đứng đầu là Hành khiển, thứ đến là các chức Tham tri, Đồng tri, Chủ bạ, Đạo thuộc. Các đạo đều đặt các ban tả hữu, giữa của cải chứa trong kho tàng (có chức Đô tri).[100]

Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, Lê Thái Tổ còn có những chính sách hành chính như sau: Định quan các lộ, các huyện (lộ đặt Tri phủ, Chưởng ấn, thứ đến các chức Trấn phủ sứ, An phủ sứ, Tuyên phủ sứ, Chiêu thảo sứ...) và đặt quan trấn thủ nơi hiểm yếu.[100] Đặt các quan có các tên gọi: Bình chương, Tư đồ (sau thêm chữ đại), đại Tư không, đại Tư mã, Khu mật đại sứ, Thiếu úy, Thượng tướng, Đại tướng, Á hầu, Thông hầu, Quan phục hầu, Trước phục hầu.[101] Chia các lộ ở Đông Đô làm bốn đạo, đặt các chức văn võ liêu thuộc trong ngoài, có chức Bộc xạ, Thị trung, Thiếu bảo, Hành khiển, Thượng thư, Hàn lâm, các chức quan bốn đạo (chức chánh mang hàm tổng tri, coi việc quân dân; chức phó mang hàm kiên tri quân dân bạ tịch), quan Mật viện, quan các bộ (chẳng hạn như Thượng thư bộ Lại Nguyễn Trãi), quan các sảnh (như Thượng thư sảnh), quan Hàn lâm viện (như các chức Thừa chỉ, Học sĩ), quan Hình viện, quan quân vệ, quan điền binh.[101] Các chức quan ngoài thì có các chức sứ, Quan sát sứ, Phòng ngự sứ, Tuyên úy sứ, An phủ sứ. Các quan văn võ đại thần được vua coi thân tín, đều được thêm chữ nhập nội.[101] Quan võ từ Tổng quản, Tổng lĩnh, Đồng tri xuống đến Đại đội trưởng, Đội trưởng, quan văn từ Hành khiển, Thượng thư xuống đến thất phẩm đều là những chức sang, lại có ngự tiền văn đội, ngựa tiền võ đội và khách đội, thực đội. Lại đặt các quan ở các xã.[101]

Luật pháp và thực thi luật pháp

Về luật pháp, Thái Tổ cho đặt ra bộ luật mới theo như hình luật của nhà Đường; đặt ngũ hình là: xuy, trượng, đồ, lưu và tử. Đặt lệ bát nghị: nghị thân, nghị cố, nghị hiền, nghị năng, nghị công, nghị quí, nghị cần, nghị tân.[102][103]

Tháng 1 âm lịch năm 1428, thiên hạ thái bình, vua Lê Thái Tổ sai các quan Tư không, Tư đồ, Tư mã, Thiếu úy, Hành khiển bàn việc soạn các điều luật dân sự và quân sự, nhằm mục đích "để cho người làm tướng biết phép trị quân, người làm quan các Lộ biết phép trị dân, và sự răn dạy quân dân, cũng nên cho biết có phép, để những người giữ việc gì, biết phép của việc ấy mà làm".[104] Các cơ quan triều đình đã thực thi lệnh này, và đệ trình những đề xuất của mình lên nhà vua.[105]

Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), Lê Thái Tổ định luật cấm cờ bạc, đánh bạc thì chặt bàn tay 5 phân, đánh cờ thì chặt bàn tay 2 phân. Những kẻ vô cố không phải việc công mà họp nhau uống rượu thì bị 100 trượng, kẻ dung túng thì tội giảm 1 bậc.[106] Về tội ăn hối lộ, Lê Thái Tổ quy định nếu ghi nhận ăn hối lộ 1 quan tiền trở lên thì bị xử chém.[107]

Tiền tệ

Từ đời vua Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly chấp chính, bắt đầu dùng tiền giấy gọi là hội sao, nhà nước thu tiền đồng đổi tiền giấy. Đến khi Lê Lợi lên ngôi, tiền đồng trong nước không còn, nên đúc thứ tiền đồng mới. Đến tháng 4, năm 1428, triều đình cho đúc đồng tiền mới của Đại Việt, gọi là tiền Thuận Thiên, được sử mô tả là mây xanh hiện, có cánh có chân, bên dưới như mâm ngọc, hai bên tả hữu hình như hai con cá chép vờn nhau.[108] Đến tháng 12, năm Thuận Thiên thứ 1 (1428), Lê Thái Tổ lại đúc tiền Thuận Thiên thông bảo, tính 50 đồng là 1 tiền. Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), ông truyền cho các quan trong ngoài bàn phép dùng tiền. Ông xuống chiếu rằng:[6]

Tiền là mạch máu của sinh dân, không thể không có. Nước ta vốn có mỏ đồng, nhưng tiền đồng cũ đã bị Nhà Hồ hủy bỏ, trăm phần chỉ còn được một. Đến nay, việc quân, việc nước thường hay bị thiếu. Muốn cho tiền được lưu thông sử dụng, để thuận lòng dân, há chẳng khó sao? Mới rồi có người dâng thư trình bày, xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực. Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi, chưa nghĩ ra cách gì. Vì rằng tiền giấy là thứ vô dụng, lại được lưu hành như vật hữu dụng trong dân, thực không phải là ý nghĩa yên dân, dùng của. Nhưng đời xưa đã có người cho rằng vàng, bạc, da, lụa, tiền thực, tiền giấy đều không thể cân ngang nhau được, thế thì thứ gì là hơn? Truyền cho các đại thần trăm quan và những người hiểu việc đời ở trong, ở ngoài, đều nghị bàn quy chế đồng tiền cho thuận lòng dân, để không vì ưa thích riêng của một người mà bắt ép muôn nghìn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời. Nên phải bàn định sớm rồi tâu lên, trẫm sẽ tự chọn lấy mà cho thi hành

— Lê Thái Tổ

Giáo dục

Nhà Minh hoàn thành việc xâm lược Đại Ngu[109] bằng việc đánh bại Nhà Hậu Trần năm 1414; Nhà Minh có mở khoa thi nhưng kẻ sĩ đều trốn tránh không chịu ra thi. Phép thi cử bỏ mặc cho đến khi vua Lê Thái Tổ đánh thắng quân Minh.[110]

Năm 1426, Lê Thái Tổ tiến quân ra Bắc, đóng quân ở dinh Bồ Đề[111]. Ông liền hạ lệnh thi học trò văn học, đầu đề bài thi: Bảng văn dụ thành Đông Quan, lấy đỗ 50 người, sung bổ chức An phủ các lộ bên ngoài và chức Viên ngoại lang ở 6 bộ trong Kinh. Khoa này Đào Công Soạn, người Tiên Lữ, Hưng Yên đỗ đầu.[112]

Sau khi giành độc lập năm 1428, Lê Thái Tổ cho mở lại trường Quốc Tử giám để cho con cháu các quan và người thường dân tuấn tú vào học và đặt các nhà học ở các phủ và các lộ.[113] Lúc mới đến Đông Đô, Thái Tổ mở khoa thi lấy đỗ 32 người.[110]

Năm 1429, Lê Thái Tổ hạ chiếu cho quân nhân các lộ và những người ẩn dật ở rừng núi, cùng các quan từ tứ phẩm trở xuống, ai thông kinh sử, thì đến cả sảnh đường để thi, năm ấy thi khoa Minh kinh.[110][114]

Năm 1431, Thái Tổ mở thi Hoành từ[115]. Năm 1433, ông đích thân ra thi văn sách.[110] Thi hai khoa này, hoặc dùng minh kinh, hoặc luận phú hoặc dùng sách vấn, đều tùy tài năng mà cất nhắc bổ dụng vượt bậc, vẫn chưa lấy đỗ Tiến sĩ.[116]

Theo Đào Duy Anh, nước Đại Việt về văn hóa, nửa triều Trần từ đời Chu Văn An Nho học đã bắt đầu thắng Phật học. Sang đời Lê, Nguyễn, Nho học mới chiếm địa vị độc tôn. Hai triều ấy đều có phép luật nghiêm khắc đối với các nhà tu hành Phật giáoĐạo giáo. Nước Việt trải qua sự chiếm đóng của Nhà Minh thì rất nhiều sách vở về Nho học, Phật học của nước Việt bị người Minh thu mất, rồi người Minh phát lại những sách Ngũ kinh, Tứ thư thể chú để dùng ở các trường công. Đến khi Nhà Lê phục quốc, những chế độ và thư tịch ở đời Lý, Trần đã mất tích nên đành bắt chước chế độ của Minh triều, lấy khoa cử làm con đường dụng thân duy nhất, dùng văn chương bác cổ để làm thước đo nhân tài, lấy sách Tống nho làm chính thư.[117]

Tôn giáo

Nhà Minh âu khi xâm chiếm Đại Việt đã có chính sách thu hoặc đốt phá các sách vở về Nho học, Phật học của người Việt, rồi phát các sách Tứ thư, Ngũ kinh thể chú để dùng ở các trường công. Khi mà Lê Lợi giành được tự chủ cho Đại Việt, chế độ và thư tịch đời Lý, Trần đều mất tích nên đành bắt chước chế độ của Nhà Minh, lấy khoa cử làm con đường dụng nhân duy nhất, dùng văn chương để đánh giá tài năng. Theo Đào Duy Anh, thời kỳ Lý Trần là thời kỳ Tam giáo (Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo) cùng song hành tồn tại; đến nay Nho học hoàn toàn độc tôn. Nhà nước có mở các cuộc thi cho người theo tôn giáo nhưng đó chỉ là cách hạn chế giai tầng này.[118] Đối với tôn giáo, Lê Thái Tổ quy định những người muốn xuất gia trong Phật giáoLão giáo phải thi kinh điển các đạo này. Người thi đỗ được phép làm hoặc làm đạo sĩ, còn người thi trượt thì phải về quê làm ăn.

Quân đội

Với lực lượng ban đầu năm 1418 kể cả khoảng vài nghìn người, bao gồm quân Thiết đột, quân Nghĩa sĩ, quân Dũng sĩ mỗi binh chủng có 200 người. Đến năm 1427 khi tiến ra thành Đông Quan, Nghĩa quân Lam Sơn đã có tổng số 35 vạn quân, trong đó có 7 vạn quân tinh nhuệ, chia làm trung, tiền, hậu, tả, hữu đều có chức năng hành quân tổng lĩnh. Lại đặt 14 vệ, Thiết đột, Kim ngô, Ngọc kiềm, Phủng thần, Xa kỵ, Câu kiềm, Thiên ngưu, Phủng thánh, Tráng sĩ, Thần vũ, Du nỗ, Thần tý, Vũ lâm, Thiên uy, Nhũ uy. Mỗi vệ có các chức thượng tướng quân, đại tướng quân, tướng quân, đô chỉ huy sứ và hỏa đầu, hỏa thủ.[119]

Sau khi đánh được quân Minh, Lê Lợi cho 25 vạn quân về làm ruộng, còn 10 vạn ở lại. Một nhà có ba người thì 1 người làm lính, việc phú dịch những gia đình này sẽ miễn trong ba năm. Lê Lợi sau khi lên ngôi lại tổ chức lại quân đội, chia ra làm vệ quân 5 đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây. Mỗi vệ đặt chức Tổng quản. Lại đặt sáu chân ngự tiền và Ngự tiền vũ đội.[119] Lê Lợi đã áp dụng chế độ luân phiên với quân đội, bằng cách chia quân đội thành 5 phiên, 1 phiên lưu lại quân ngũ và 4 phiên cho về làm ruộng. Vào năm 1429, Lê Lợi tổ chức thao diễn quân đội, các sử quan triều Nguyễn gọi lần thao diễn này là thao diễn quân đội một cách vĩ đại, điều động tất cả các vệ quân để tập trận thủy bộ.[120]

Theo sử gia Sun Lai Chen, nhà Minh Trung Quốc đã có sự phát triển cao về hỏa khí, khiến cho họ bất bại khi đi đánh nhau khắp bốn phương. Cuộc xâm lăng của nhà Minh với nhà Hồ là cuộc xâm lăng của Trung Quốc với Đại Việt chưa bao giờ dễ dàng và nhanh chóng như thế, đó là nhờ sự ưu việt của hỏa khí nhà Minh có được. Nghĩa quân Lam Sơn đã học được cách chế tạo súng, và thu được nhiều súng của quân Minh nên là một phần nguyên nhân của chiến thắng. Số súng Nghĩa quân Lam Sơn thu được sau chiến tranh đã làm triều đình nhà Minh lo ngại, họ liên tục hối thúc Lê Lợi trả lại, nhưng Lê Lợi đã không trả cái nào, rốt cuộc nhà Minh buộc phải chấp nhận.[121]

Chính sách ruộng đất

Mùa xuân tháng 1 năm 1428, quân Minh đã về nước, Đại Việt hoàn toàn độc lập. Lê Lợi đã thực hiện những chính sách của mình nhằm phục hồi lại đất nước vốn đã bị suy tàn sau những năm bóc lột của quân Minh và chiến tranh.[94] Tháng 7 âm lịch năm 1426 Lê Lợi cho làm sổ hộ tịch (sổ đinh).[122] Tháng Giêng năm 1428, nhà vua hạ lệnh cho con em các nhà đầu mục và các tướng hiệu đều nên trở về nhận ruộng đất ở quê cha đất tổ, để chấm dứt nạn tranh chiếm ruộng đất.[123] Tháng 4 âm lịch năm 1428, nhà vua ra lệnh trả lại ruộng đất, nhà cửa cho những quân dân bị bắt vào 4 thành Tây Đô, Đông Kinh, Cổ Lộng, Chí Linh đã được bổ vào các quân phụ vào quân Thiết đột.[124] Ngày 25 tháng 11 âm lịch năm 1428, triều đình cho làm sổ ruộng đất, sổ hộ tịch.[125] Triều đình ra chỉ thị cho các phủ, huyện, lộ khám xét các chằm bãi, ruộng đất, mỏ vàng bạc, những sản vật núi rừng trong hạt, các loại thuế cũ, cùng ruộng đất đã sung công các nhà thế gia và những người tuyệt tự, ruộng đất của bọn đào ngũ, ngụy quan.[126]

Ngày 22 tháng 12 âm lịch năm 1428, Lê Thái Tổ ra lệnh chỉ cho các quan phủ, huyện, lộ, trấn, xã, sách đối chiếu, khám xét ruộng đất, đầm bãi công tư trong các huyện, xã của lộ mình.[126] Ngày 22 tháng 1 năm 1429, nhà vua ra lệnh cho các đại thần tâu lên về việc cấp đất cho dân chúng, từ quan lại, quân nhân, đàn ông, đàn bà, người già yếu, mồ côi, góa chồng.[127]

Tháng 2 âm lịch năm 1429, Lê Thái Tổ lệnh cho tập trận trong 5 đạo, cả thủy binh và bộ binh. Sau cuộc tập trận, ông chia số quân sĩ làm 5 phiên, lưu lại 1 phiên còn 4 phiên về làm ruộng.[128] Ngày 29 tháng 3 âm lịch năm 1429, nhà vua ra lệnh rằng phần đất của các quan và phủ đệ công hầu trăm quan nên trồng cây, hoa, rau đậu, không được để hoang, ai không theo thì mất phần đất đó. Các công hầu đã được ban cho đất ở, nếu trong phần đất của quân Thiết đột thì không cho quá nhiều, chỉ từ 5 sào trở xuống, nếu không phải trong phần đất của quân Thiết đột thì cho 2 mẫu trở xuống đến 1 mẫu.[129] Nếu đã được chia ruộng đất vườn nhà nhất định rồi, lại còn chiếm đất trong thành Đại La làm nhà cửa khác nữa thì không được.[127]

Ngày 30 tháng 5 âm lịch năm 1429, ông sai định hạng ruộng đất của các cộng sự người Việt của quân Minh trước đây.[130] Ngày 19 tháng 12 âm lịch năm 1429, ông ra lệnh xã nào có nhiều ruộng đất nhưng ít người, để bỏ hoang thì cho phép các quan nơi đó cho những người không có ruộng ở các xã khác đến cày cấy, người chủ ruộng xã đó không được chiếm giữ rồi bỏ hoang. Ai vi phạm sẽ bị xử theo tội cưỡng bức chiếm đoạt.[131] Vào các năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) và 6 (1433), ông lại cho làm sổ hộ tịch.[132]

Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, chính sách ruộng đất của Lê Thái Tổ gọi là phép quân điền. Triều đình ra lệnh cho các phủ huyện khám đo những ruộng đất đầm bãi công tư làm thành sổ sách. Lại sắc cho các quan đại thần bàn định số ruộng cấp cho các quan, quân đội và nhân dân, từ quan đại thần trở xuống, cho đến những người già yếu, con mồ côi, bà góa và đàn ông, đàn bà trở lên, theo thứ bậc khác nhau. Lại truyền cho các phủ, huyện, xã, rằng nơi nào có ruộng đất nhiều mà dân ít phải bỏ hoang, thì cho phép các quan bản hạt được cho người không có ruộng ở xã khác đến cày cấy. Điền chủ xã ấy không được chiếm đoạt mà bỏ hoang, làm trái thì phạt.[133]Chính sách đất đai của vua Thái Tổ đã làm cho Đại Việt như lời nhận xét của sử thần trong sách Đại Việt sử ký toàn thư: "Vua mặc áo sớm, ăn cơm trưa, trải 10 năm mà thiên hạ đại trị". Dân gian có câu ca dao về việc no đủ, thịnh trị thời của vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông:[131]

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn.

Dẹp phản kháng trong nước, thu châu Phục Lễ

Đánh Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái

Bài thơ khắc đá của Lê Lợi ở Thạch An, Cao Bằng khi đi đánh Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái.

Ngoài xây dựng kinh tế, Thái Tổ còn phải đối phó với bạo loạn trong nước. Tháng 11 âm lịch năm 1430, Thổ tù ở châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên là Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái[134][135] nổi dậy; để đối phó, Lê Lợi tuyển binh ở bãi Bồ Đề.

Tháng Giêng năm 1431, sau khi giết Phạm Văn Xảo, Lê Lợi thân chinh đem quân đánh trấn Thái Nguyên. Khi đến châu Thạch Lâm, thành Na Lữ, ông cho đóng quân ở đây, vì thấy thắng cảnh núi sông, nên sai lập sinh từ thờ phụng. Trên núi đá phía tây bắc thành Na Lữ, có bài thơ của vua Lê Thái Tổ ngự chế khắc vào đá, bên dưới ghi rằng: Thuận Thiên tứ niên Tân Hợi chính nguyệt thị thập nhật đà.[94]

Nội dung bài thơ như sau, được viết trong sách Đại Nam nhất thống chí:[136]

Bất từ vạn lý chỉnh sư đồ,Duy lục biên manh xích tử tô.Thiên địa bất dung gian đảng tại,Cổ kim thùy xá bạn thần chu.Trung lương tự khả lương đa phúc.Bạo bội chung nan bảo nhất khu.Đái lệ bất di thần tử tiết;Danh thùy vạn cổ dữ sơn câu.Dịch nghĩa:Đường xa chẳng quản ngại ra quânChỉ muốn biên phương cứu lấy dân.Trời đất chẳng dung phường phản tặc,Xưa nay ai xá tội gian thầnTrung lương ắt tự giành nhiều phúc.Bạn nghịch đành khôn giữ chiếc thân.Sông cạn đá mòn không đổi tiếtDanh cùng núi ấy vạn năm xuân.[136]

Tháng 2 âm lịch cùng năm, ông đánh chiếm được Lâm Châu, giết Bế Khắc Thiệu và bắt sống Nông Đắc Thái.[136]

Đánh Đèo Cát Hãn, thu châu Mường Lễ

Năm 1407, khi quân Minh sang đánh Nhà Hồ, Đèo Cát Hãn dẫn 4.000 quân ra xin hợp tác với quân Minh. Theo Minh sử, năm 1405, Đèo Cát Hãn dâng sớ lên triều đình Nhà Minh tố cáo Nhà Hồ đánh chiếm 7 trại Mãnh Man thuộc châu Ninh Viễn dưới quyền Đèo Cát Hãn, vốn thuộc phủ Vân Nam, giết con rể của ông, bắt con gái của ông để khống chế.[137]

Năm 1427, Lê Lợi sai Chủ thư thị sử Trần Hồ đi chiêu dụ châu Ninh Viễn (tức châu Mường Lễ, sau đổi là châu Phục Lễ, nay là phủ An Tây). Phụ đạo châu ấy là Đèo Cát Hãn đem binh tướng theo về.[138]

Tháng giêng năm 1432, Lê Lợi sai con trai cả là Lê Tư Tề và Tư đồ Lê Sát đem quân đánh châu Mường Lễ, do Đèo Cát Hãn thông đồng Phạm Văn Xảo làm loạn, liên kết với nghịch thần Ai Lao là Kha Đốn xâm lấn đất Mang Mỗi. Sau đó đích thân Lê Lợi thân chinh, đánh được Mang Lễ, Kha Đốn bị giết, Đèo Cát Hãn bỏ chạy, Lê Lợi thu Mang Lễ, đổi tên thành châu Phục Lễ.[139][140]

Trên đường đi thảo phạt Đèo Cát Hãn, vua Lê Thái Tổ đã có 2 bài thơ; bài thứ nhất được khắc trên vách đá Pú Huổi Chỏ, có tên là Thân chinh Phục Lễ châu Đèo Cát Hãn (Tự mình đi đánh Đèo Cát Hãn ở châu Phục Lễ), viết bằng chữ Hán theo thể ngũ ngôn bát cú; bài thơ thứ hai, bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú, được khắc trên vách núi Hào Tráng (Hòa Bình), có tên là Chinh Đèo Cát Hãn, quá Long Thủy đê (Đi đánh Đèo Cát Hãn trở về, qua đường đê Long Thủy). Bài thơ này đã được chép trong Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích (1744-1818), và được nhắc tới trong sách Hưng Hóa ký lược của Phạm Thận Duật (1825-1885), dưới triều vua Tự Đức.[140]

Chính sách với các công thần tham gia khởi nghĩa Lam Sơn

Lê Lợi đã dành cho người chết thay mình là Lê Lai nhiều ân sủng đặc biệt. Khi Lê Lai vừa chết, Lê Lợi ngầm sai người tìm di hài đem về Lam Sơn mai táng. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), phong Lê Lai là Công thần hạng nhất, tặng là Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần, hàm Thiếu úy, thụy là Toàn Nghĩa.[141] Tháng 12 năm 1429, vua Lê Thái Tổ sai Nguyễn Trãi viết hai bản lời thề ước trước và lời thề nhớ công của Lê Lai, để trong hòm vàng. Lại gia phong làm Thái úy[141]. Năm Thái Hòa thứ nhất 1443 ban tặng tước Bình chương quốc quân trọng sự, ban cho túi kim ngư, ấn vàng, tước Huyện Thượng hầu.[141]

Năm 1428 truy tặng Lê Thạch làm Trung vũ Đại vương, được thờ ở tẩm miếu hoàng gia.[142] Đối với Lý Triện, Lê Lợi trao cho cha của ông là Lê Ba Lao làm Quan sát sứ, tước Thượng phẩm, cấp 400 mẫu ruộng, con ông là Lý Lăng làm Phòng ngự sứ, tước Phục hầu, đều được đổi sang họ Lê. Năm 1428, Lý Triện được truy tặng chức Nhập nội Tư mã.[143] Khi Đinh Lễ hi sinh trong Khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi cho em ông là Đinh Liệt làm Nhập nội Thiếu úy, tước Á hầu, các vợ lẽ của ông là bọn Hà Ngọc Dung gồm 5 người được làm tông cơ.[144]

Tháng 2, năm 1428, Lê Lợi định các hạng công cho các hỏa thủ và quân nhân Thiết đột có công ở Lũng Nhai, chia ra thứ bậc gồm 221 người: Công hạng nhất, cho mang họ vua là Phạm Vấn, Lê Quy, Lê Dịch, Lê Ê,... 52 người, làm Vinh lộc đại phu tả Kim ngô vệ đại tướng quân tước Thượng trí tự; công thứ 2, cho quốc tính là Lê Bố, Đinh Liệt, Lê Khảo gồm 72 người, làm Trung lượng đại phu tả Bổng thần vệ tướng quân tước Đại trí tự; công thứ 3, cho mang họ vua, là Đinh Lễ gồm 94 người, làm Trung vũ đại phu Câu kiềm vệ tướng quân tước Trí tự. Khoảng tháng 3, năm 1428, sách Đại Việt sử ký toàn thư lại chép về việc ban thưởng cho 3 người: Lấy Thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Quan Phục hầu, Tư đồ Trần [Nguyên] Hãn làm Tả Tướng quốc, Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo làm Thái bảo, đều ban quốc tính.[145]

Tháng 5 năm 1429, Lê Lợi lại ban biển ngạch công thần cho 93 người (những người tên chữ nghiêng đều được cải sang họ Lê của vua, ở đây ghi nguyên họ những người đó):[146][147]

  1. Huyện Thượng hầu, 3 người: Phạm Vấn, Lê Sát, Phạm Văn Xảo.
  2. Á Thượng hầu, 1 người: Lê Ngân.
  3. Hương Thượng hầu, 3 người: Nguyễn Lý, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng.
  4. Đình Thượng hầu, 14 người: Nguyễn Chích, Lê Văn An, Đinh Liệt, Lê Miễn, Đinh Lễ, Lê Chiến, Lê Khôi, Lê Đính, Lê Chuyết, Trịnh Lỗi, Nguyễn Nhữ Lãm, Lê Sao, Lê Kiệm, Lê Bật.
  5. Huyện hầu, 14 người: Bùi Bị, Lê Bì, Lê Phủ, Lê Náo, Lê Thụ, Trương Lôi, Trịnh Khả, Lê Bồi, Lê Lang, Nguyễn Xí, Đỗ Khuyển, Đỗ Bí, Lê Quốc Trinh, Lê Bật.
  6. Á hầu, 26 người: Lê Lạn, Nguyễn Trãi, v.v...
  7. Quan nội hầu, 16 người: Lê Thiệt, Lê Chương,...
  8. Quan phục hầu, 12 người: Phạm Cuống, Lê Dao,...
  9. Thượng trí tự trước phục hầu, 4 người: Trịnh Khắc Phục, Lê Hài, v.v...[148]

Chính sách đối với những người Việt làm quan cho Nhà Minh

Trước năm 1428, Lê Lợi đã cho tiến hành bắt những quan lại người Việt phục vụ cho Nhà Minh, bắt vợ con, nô tỳ, tài vật, trâu bò đem giải nộp cho hết, điều tra những kẻ có lòng khác, thu nhập văn bằng ấn tin của ngụy quan, theo đúng hạn nộp lên. Sau đó cho ngụy quan chuộc mệnh, định lệ tiền chuộc các vợ cả, vợ lẽ và nô tỳ của ngụy quan. Vợ Bố chính ty thì 70 quan, dưới đến các hạng sinh viên, thổ quan, thừa sai, bạn đương, thì vợ là 10 quan, con trai, con gái và nô tỳ từ 10 tuổi trở xuống thì 5 quan.[149]

Năm 1428, sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ ra lệnh trị tội những viên quan cộng tác với Nhà Minh.[150] Năm 1429 ông ra lệnh chỉ rằng những người này trước đã có lệnh cho tha tội chuộc mệnh, thì cho miễn cả ruộng đất (không phải sung công).[151] Tháng 5 âm lịch năm 1429, Lê Thái Tổ ra lệnh: cho những văn võ hào kiệt nào còn bị bỏ sót có thể đến chỗ Thiếu phó Lê Văn Linh mà tự tiến, không phân biệt ngụy quan hay sĩ thứ, cốt lấy tài đức.[152]

Các quan người Việt của Nhà Minh như Lương Nhữ Hốt, Trần Phong, Đỗ Duy Trung, con cái của Mạc Thúy như Mạc Tung đều được Lê Thái Tổ tha mạng. Các ngụy quan như Trần Phong, Lương Nhữ Hốt,... lại mưu làm loạn, kết bè đảng, ngầm đưa thư sang nhà Minh thì họ sẽ làm nội ứng. Người đưa thư bị Thượng tướng trấn Thái Nguyên là Hoàng Nguyên Ý bắt được. Lê Lợi sai giết đi, giấu việc ấy. Sau có người tố giác, Lê Lợi mới hạ chiếu giết đi, còn con cái, đồ đảng đều được tha mạng.[153]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lê_Thái_Tổ http://www.bbc.com/vietnamese/regionalnews/story/2... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/333359 http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb14561806b http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb14561806b http://www.idref.fr/083818103 http://id.loc.gov/authorities/names/n90659665 http://d-nb.info/gnd/132208482 http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000054903505